CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI BLOG PVM

"Cuộc đời hôn lên tôi bằng nỗi đau thương và buộc tôi phải đáp lại bằng lời ca tiếng hát" R. TAGORE


Trang đồng tác giả:
http://www.phantichkinhte123.com



Email của PVM:
minhphamvan2008@gmail.com
PHẠM VĂN MINH

13 thg 10, 2010

PHÁT TRIỂN LÒNG TỰ TIN VÀ TẠO ẢNH HƯỞNG BẰNG DIỄN THUYẾT (Kỳ 2)

CHƯƠNG 1

PHÁT TRIỂN DŨNG KHÍ VÀ LÒNG TỰ TIN

Từ năm 1912 có trên năm trăm ngàn người nam và nữ là thành viên của các khoá học nói trước công chúng từng áp dụng phương pháp của tôi. Trong số đó nhiều người đã viết thư bày tỏ lý do vì sao họ đăng ký khoá học tập huấn này và những gì họ mong mỏi đạt được. Tất nhiên, cách viết của mỗi người rất khác nhau; nhưng ước vọng cốt lõi trong những lá thư này, nhu cầu cơ bản ở muôn ngàn lá thư này, giống nhau một cách lạ lùng: “Khi tôi được mời đứng lên phát biểu”, hết người này tới người nọ đều viết, “tôi cảm thấy ngượng ngùng, sợ sệt đến độ tôi không thể suy nghĩ rành rọt, không thể tập trung, không thể nhớ những gì định nói. Tôi muốn sắp xếp tư tưởng sao cho lớp lang và diễn đạt cho thật rõ ràng và thuyết phục trước một nhóm hay một cử toạ là những doanh nhân hoặc một câu lạc bộ.” Hàng ngàn lời thú nhận của họ xem ra na ná như thế.

Tôi xin nêu một trường hợp cụ thể: vài năm trước, tại nơi đây có một người đàn ông lịch lãm tên là D. W. Ghent, đã tham gia một khoá nói trước công chúng của tôi ở Philadelphia. Sau buổi giảng ít hôm, ông đã mời tôi dùng cơm trưa tại Câu lạc bộ những Nhà Sản xuất. Ông ta là một người trung niên và rất năng động. Ông là chủ một cơ sở sản xuất và là người đảm nhận công tác ở xứ đạo và các sinh hoạt của thành phố. Hôm đó, trong lúc chúng tôi đang dùng bữa trưa, ông hơi chồm người qua bàn ăn và bảo: “Nhiều lần tôi đã được yêu cầu phát biểu trước đủ mọi loại cuộc họp, nhưng chưa bao giờ tôi phát biểu ra trò. Tôi cứ cuống lên, đầu óc thì hầu như hoàn toàn rỗng tuếch: vì thế lúc nào tôi cũng tìm cách lẩn tránh. Giờ tôi còn là chủ tịch của ban quản trị một trường đại học. Tôi phải chủ trì các cuộc họp. Quả là có những lúc tôi phải phát biểu ít nhiều về một vấn đề gì đó … Thế ông có nghĩ là tôi có thể học ăn nói vào lúc tuổi đời đã xế bóng như thế này không?”

“Tôi nghĩa gì ấy à, ông Ghent?” tôi đáp lơi ông. “Đây không phải là vấn đề tôi nghĩ. Tôi biết là ông có thể, và tôi biết rằng ông ẽ làm được nếu ông tập và làm theo những hướng dẫn.”

Ông ta muốn tin đấy, nhưng có thể vì ông ta cho rằng đấy là điều nghe ra có vẻ là quá hứa hẹn, quá lạc quan. Ông tiếp lời: “Tôi e rằng ông làm ra vẻ nhân ái đấy thôi, cốt là để khích lệ tôi ấy mà.”

Sau khi ông ta hoàn tất khoá huấn luyện, chúng tôi đã mất liên lạc với nhau một thời gian. Nhưng sau đó, chúng tôi gặp lại nhau và lại dùng bữa trưa tại Câu lạc bộ Những Nhà Sản Xuất. Chúng tôi đã ngồi đúng góc nhà hàng và đúng chiếc bạn mà lần đầu tiên chúng tôi cùng ăn trưa. Trong khi khơi gợi để ông ta nhớ lại cuộc trao đổi trước kia của chúng tôi, tôi đã đánh tiếng hỏi ông xem lúc đó ông có cho tôi là quá lạc quan không. Ông đã rút ra khỏi túi một cuốn sổ tay nhỏ, bìa sau màu đỏ và cho tôi xem một bảng liệt kê những buổi nói chuyện và ngày giờ mà ông đã được người ta đặt hẹn trước. Ông thú nhận: “Và khả năng làm được những điều này, niềm vui mà tôi có được khi làm việc này, và những gì tôi có thể cống hiến thêm cho cộng đồng – tất cả là những niềm phấn khích nhất trong đời tôi.”

Trước đó chẳng bao lâu, ở Washington có một hội nghị quan trọng về giải trừ quân bị. Khi người ta biết rằng Thủ tướng Anh lên kế hoạch tham dự, phái Baptsm ở Philadelphia đã đánh điện mời ông nói chuyện tại một cuộc họp rất đông thính giả được tổ chức tại thành phố của họ. Ghent thông báo cho tôi biết là chính ông được chọn trong số tất cả những người theo phái Baptism của thành phố để giới thiệu Thủ tướng Anh cho cử toạ.

Và đó chính là người đã ngồi cùng bàn với tôi gần ba năm trước và đã trịnh trọng hỏi tôi xem tôi có cho rằng ông sẽ có thể nói trước công chúng không!

Khả năng ăn nói của ông ta tiến bộ nhanh như thế có phải là một điều là thường không? Không đâu. Có hàng trăm trường hợp tương tự như thế. Ví dụ - tôi xin nêu một trường hợp cụ thể hơn – vài năm trước, một y sĩ ở Brooklyn, chúng ta tạm gọi là bác sĩ Curtis, đã trải qua mùa Đông ở Florida gần khu huấn luyện của đội Giants. Là một người mê bóng chày, ông thường tới xem họ tập. Cuối cùng, ông trở nên khá thân với đội bóng, và ông được mời tham dự một buổi tiệc lớn.

Sau khi dùng cà phê và hạt dẻ, vài vị khách quan trọng được mời “phát biểu đôi lời”. Bỗng dưng, tựa tiếng sét ngang tai, tiếng người quản lý bữa tiệc lên tiếng ngỏ lời: “Chúng ta có một vị y sĩ ở đây với chúng ta tối nay, tôi xin mời bác sĩ Curtis phát biểu về Sức khoẻ của Cầu thủ Bóng Chày”.

Ông ta có sửa soạn gì không? Tất nhiên rồi. Vì ông là người đã học về phép vệ sinh và đã hành nghề y gần một phần ba thế kỷ. Ông ta có thể ngồi tại ghế và nói cho người ngồi bên cạnh về đề tài này suốt đêm còn được. Nhưng đứng lên để phát biểu cùng vấn đề ấy trước một cử toạ, dù nhỏ, lại là chuyện khác. Đó là chuyện có thể gây chết điếng người. Nghĩ tới việc đó làm tim của ông có lúc đã đập nhanh gấp đôi, nhưng lại có lúc muốn ngưng đập. Trước giờ có lúc nào ông nói trước công chúng đâu, và những ý nghĩ nằm trong đầu ông trước đó thì lúc ấy như bay biến đâu hết.

Ông ta phải làm gì đây? Cử toạ đang vỗ tay. Mọi người đều nhìn vào ông. Ông đã lắc đầu. Nhưng điều đó chỉ càng làm tăng thêm những tiếng vỗ tay và những lời mời gọi ông. Những tiếng la: “Bác sĩ Curtis! Xin ngài phát biểu! Xin ngài phát biểu!” Mỗi lúc mỗi lớn hơn và khẩn thiết hơn.

Ông ta rơi vào ình cảnh hết sức tội nghiệp. Ông biết rằng nếu ông đứng dậy là ông sẽ thất bại, ông sẽ không thể thốt ra lấy vài câu. Cuối cùng ông đành, nhưng không phải để phát biểu, mà quay lưng và lặng lẽ bước ra khỏi phòng với vẻ đầy lúng túng và bẽ bàng.

Hơi lạ là, một trong những điều đầu tiên ông ta đã làm sau khi trở về Brooklyn là ghi tên theo học khoá: nói trước công chúng của tôi. Ông không muốn mình bị thẹn đỏ mặt và câm như hền một lần nữa.

Ông thuộc loại học viến khiến thầy dạy hài lòng: ông rất hăng say. Ông muốn có khả năng nói, và khát vọng của ông thật cháy bỏng, không mang tính nửa vời. Ông đã soạn các bài nói chuyện thật chu đáo, ông bền chí tập, và không hề bỏ một giờ học nào. Ông đã thực hiện đúng những gì mà một học viên cần mẫn thường làm: ông đã tiến bộ quá nhanh đến nỗi chính ông cũng phải ngạc nhiên, vượt trên cả những gì ông mong đợi. Sau vài buổi học đầu, ông đã bớt nhút nhát, và ngày một tự tin hơn. Chỉ vỏn vẹn hai tháng trời mà ông đã trở thành diễn giả nổi bật trong nhóm. Chẳng bao lâu ông đã trở thành diễn giả nổi bật trong nhóm. Chẳng bao lâu ông đã nhận lời mời đi thuyết trình đó đây; giờ thì ông cảm thấy rất thích thú và hồ hởi mỗi khi nhận lời đi diễn thuyết trước sự trọng vọng của mọi người, cũng là dịp ông được kết thân với họ.

Mọi thành viên của uỷ ban Vận động thuộc Đảng Cộng hoà của Thành phố New York, sau khi nghe một trong những bài nói chuyện trước công chúng của bác sĩ Curtis, đã mời ông đi khắp thành phố diễn thuyết để vận động cho đảng của ông ta. Chính trị gia đó đã ngạc nhiên biết bao nếu như ông ta biết chuyện chỉ một năm trước đây, diễn giả này đã đứng dậy và bỏ ra khỏi phòng tiệc trong nỗi nhọc nhằn và bối rối vì ông đã bị cứng họng do sợ phải đứng phát biểu trước cử toạ!

Đạt được sự tự tin và vững dạ, và khả năng tư duy thoải mái, rõ ràng trong khi nói trước một nhóm người thì đâu có gì là khó như người ta thường nghĩ. Nó không phải là một món quà của Thượng đế chỉ phú cho một số rất ít cá nhân. Nó giống như khả năng chơi gôn. Bất cứ ai đều có thể phát triển khả năng tiềm tàng này nếu người đó có đủ mong muốn.

Thế có lý do gì giúp giải thích vì sao trong tư thế đứng thẳng trước một cử toạ bạn không thể suy nghĩ sáng suốt như bạn đang ngồi không? Chắc hẳn bạn biết là không có. Đúng ra thì bạn phải suy tư tốt hơn khi bạn đối diện một nhóm người. Sự hiện diện của họ lẽ ra phải kích thích và làm bạn hưng phấn hơn. Rất nhiều diễn giả bảo rằng sự hiện diện của thính giả là một khích lệ, một nguồn cảm hứng đôn đốc trí não hoạt động sáng suốt, sắc sảo hơn. Vào những lúc đó, như Henry Ward Beecher nói, những tư tưởng, sự kiện, ý tưởng mà họ không biết là họ có, sẽ “lững lờ như làn khói” và họ chẳng phải làm gì ngoài việc với tay ra và túm ngay lấy chúng. Điều đó phải là kinh nghiệm của bạn. Điều đó rất có thể xảy ra, nếu như bạn tập luyện và kiên trì.

Thêm nữa, bạn cũng cần biết rõ điều này: rèn luyện và tập tành sẽ đánh tan nỗi sợ cử toạ của bạn và mang lại cho bạn sự tự tin và lòng dũng cảm vững vàng.

Đừng tưởng tượng ra rằng trường hợp của bạn thì khó hơn một cách khác thường. Ngay cả những người sau này đã trở thành những con người hùng biện giỏi nhất thì lúc mới bước vào nghề, đều phải khổ về nỗi sợ tiềm ẩn và sự ngượng ngùng này.

William Jennings Bryan, dù là một chiến binh nổi tiếng trong trận mạc, đã thú nhận rằng đầu gối của ông hầu như đánh vào nhau trong những lần nỗi lực đầu tiên của ông.

Mark Twain, lần đầu tiên đứng lên để thuyết trình, đã có cảm giác như miệng của ông bị nhét đầy bông gòn và mạch của ông đập tăng tốc như là một vận động viên cố giành chiếc cúp xuất sắc.

Tổng tư lệnh Grant, người đã giàn chiến thắng lẫy lừng khi chiếm được Vicksburg, thế nhưng ông đã phải thú nhận rằng khi ông nói trước ba quân, ông bị một cái gì đó giống như chứng mất điều hoà vận động.

Cố nghị sĩ Jean Jaurès, một thuyết trình viên chính trị quyền lực bậc nhất mà nước Pháp đã tạo ra vào thời đó, đã chịu nồi nín thinh hằng năm trời ở Hạ viện trước khi có thể tập trung hết can đảm để đọc bài diễn thuyết đầu tiên của mình.

“Lần đầu tiên khi tôi cố thực hiện một bài nói chuyện trước công chúng,” Lolyd Geogre thú nhận, “tôi phải nói thật với bạn rằng tôi rơi vào trong một tình trạng khốn đốn. Không thổi phồng tí nào đâu, nhưng đúng là, lưỡi của tôi dính chặt lên vòm miệng; và lúc ấy tôi khó có thể thốt ra lấy một lời,”

John Bright vốn là người Anh nổi tiếng, người mà trong suốt cuộc nội chiến đã ủng hộ chính nghĩa liên minh và giải phóng, thế mà khi đọc bài diễn văn đầu tiên trước một nhóm dân quê tụ họp ở một trường học, đã run lên vì sợ khi trên đường tới đó, và ông đã phải đề nghị bạn mình vỗ tay thật to để cổ vũ mỗi khi thấy ông bắt đầu lúng túng.

Charles Stewart Parnell, lãnh tụ vĩ đại người Ireland, lúc mới bước vào nghề diễn thuyết, theo lời người anh của ông, đã lúng túng đến độ ông thường xiết chặt đôi bàn tay khiến các móng tay đâm vào thịt và bàn tay của ông rướm máu.

Disraeli đã thú nhận rằng ông thích chỉ huy cả một đoàn kỵ binh hơn là lần đầu tiên phải đối mặt với Hạ viện. Bài diễn văn khai mạc của ông ở đó là một thất bại ê chề.

Quả thật, có khá nhiều diễn giả nổi tiếng của Anh lúc đầu đã ăn nói kém cỏi đến độ giờ đây trong Quốc hội người ta có cảm giác rằng sẽ là một điểm gỡ nếu bài diễn thuyết đầu tiên của một chàng trai trẻ nào đó được xem là thành công ngay. Do vậy, bạn hãy tự tin hơn.

Sau khi theo dõi sự nghiệp và giúp đỡ cách này hay cách khác khá nhiều diễn giả phát triển tài ăn nói, tác giả luôn vui vẻ khi một học viên, ở buổi đầu, có phần run và lúng túng.

Thực hiện một cuộc nói chuyện luôn kéo theo một trách nhiệm nào đó, cả khi chỉ trước một nhóm người – một sự căng thẳng, một sử sửng sốt, một sự hồi hộp nào đó. Hai ngàn năm trước, Cicero lỗi lạc đã nói rằng, tất cả những cuộc nói chuyện trước công chúng mà có giá trị đều có đặc điểm là lúng túng.

Các diễn giả khi phát biểu ở đài phát thanh cũng có cảm nhận giống như thế. Người ta gọi là “nỗi sợ micrô”. Khi Charlie Chaplin phát ngôn trên đài phát, dù đã quen, ông vẫn phải chép toàn bộ bài phát biểu ra giấy.

Còn James Kirkwood, dù là một diễn viên và là nhà đạo diễn điện ảnh nổi tiếng, vậy mà sau mỗi lần ra khỏi phòng phát sóng, ông đều phải lau mồ hôi từ trán nhỏ xuống.

Và kể cả những người đã từng quen nói trước công chúng, thì khi mới bước lên bục noi, họ vẫn cảm thấy sờ sợ cho đến khi phát biểu được một lúc, cảm giác ấy mới biến mất, lúc ấy bài diễn văn mới thực sự bắt đầu và trôi chảy.

Có thể bạn cũng có cùng cảm nhận như thế.

Để nhanh trở thành một diễn giả giỏi, bạn cần nắm vững bốn điều thiết yếu:


Thứ nhất: Bắt đầu bằng ước muốn mạnh mẽ và kiên định (Mời bạn đón đọc kỳ 3)

Kỳ trước (1) . . . . . Kỳ tiếp theo (3)

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Bao nhiêu là người đã từng sợ thuyết trình nhỉ!... Thuyết trình được không khó, nhưng thuyết trình hay là cả một vấn đề... Làm thế nào để người không thích chủ đề đó cũng bị lôi kéo vào bài nói chuyện... hic hic... nhiều thứ vẫn cứ phải học!
Doraemon25